Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 diễn ra từ ngày 14 đến ngày 18 tháng 10 năm 2020. Đoàn đại biểu Đảng bộ Sở Giáo dục và Đào tạo gồm 5 đồng chí:
1. Đồng chí Lê Hồng Sơn, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.
2. Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.
3. Đồng chí Nguyễn Huỳnh Long, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Sở Giáo dục và Đào tạo.
4. Đồng chí Võ Phi Rạng Đông, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Sở Giáo dục và Đào tạo.
5. Đồng chí Nguyễn Minh Quốc Bảo, Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục thành phố.
Vào sáng ngày 16 tháng 10 năm 2020, tại Đại hội Tiến sĩ Lê Hồng Sơn, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đã trình bày Tham luận "Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế và khuyến khích đại học chia sẻ giai đoạn 2020 - 2035". Tham luận tóm tắt một số giải pháp trọng tâm trong thời gian tới của Ngành Giáo dục và Đào tạo nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ quốc tế, đáp ứng nhu cầu phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư. Toàn văn bài tham luận như sau:
BÁO CÁO THAM LUẬN
Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế và khuyến khích
đại học chia sẻ giai đoạn 2020 - 2035
Kính thưa Đại hội,
Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã xác định một trong ba khâu đột phá để phát triển nhanh và bền vững đất nước đến năm 2020 là “phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ”.
Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị lớn, trung tâm về nhiều mặt của cả nước và khu vực. Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố và cả nước, giáo dục thành phố phải không ngừng đổi mới, phát triển mạnh mẽ, hội nhập với nền giáo dục tiên tiến của thế giới. Hiện nay, nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ là nguồn lao động đã qua đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ mà phải là nguồn nhân lực trình độ quốc tế - được đào tạo từ các chương trình đạt chuẩn quốc tế, được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng đáp ứng yêu cầu công việc trong môi trường toàn cầu, cạnh tranh tích cực với lao động từ mọi quốc gia trên thế giới và thích ứng nhanh chóng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X đã xác định Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là 1 trong 7 chương trình đột phá. Đại hội lần này tiếp tục cụ thể hóa hơn nữa với việc chỉ đạo xây dựng, triển khai Đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế, tập trung vào 8 ngành trọng điểm, gắn chặt với nhu cầu phát triển trong thời gian tới, kết hợp với việc xây dựng mô hình “Đại học chia sẻ”, trong khoảng thời gian dài, mang tính chiến lược, giai đoạn 2020 - 2035.
Kính thưa Đại hội,
Hiện nay, giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông thành phố có 2.385 trường (tăng 453 trường so với đầu nhiệm kỳ). Toàn thành phố có 48.766 lớp học (tăng 7.017 lớp so với đầu nhiệm kỳ) với 1.711.704 học sinh (tăng 188.442 học sinh so với đầu nhiệm kỳ). Như vậy, so với năm học 2015 - 2016, đầu nhiệm kỳ, số trường học đã tăng 23,45%, số lớp học tăng 16,8% và số học sinh thành phố tăng 12,37%. Điều này phần nào cho thấy kết quả của việc thực hiện chỉ tiêu “300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học” và nỗ lực của chính quyền các cấp.
Về giáo dục đại học, thành phố có 54 trường đại học, học viện với hơn 200.000 sinh viên. Chương trình đào tạo được các trường thường xuyên điều chỉnh, trong đó, nhiều chương trình đào tạo tiên tiến được giảng dạy tại các trường, đặc biệt là các thỏa thuận hợp tác quốc tế. Có 31 trường đại học, cao đẳng đã triển khai hơn 170 chương trình đào tạo liên kết với các đơn vị, tổ chức quốc tế; tạo điều kiện cho người học tiếp cận các mô hình đào tạo tiên tiến của các nước trên thế giới, nâng cao năng lực cạnh tranh của người học trên thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa.
Các trường cũng nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, thu hút hơn 4.000 sinh viên các nước đến học tập trong giai đoạn vừa qua. Nhiều sản phẩm từ công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ được đưa vào đời sống xã hội. Nhiều ngành đào tạo được kiểm định theo chuẩn quốc tế đã thật sự góp phần nâng cao vị thế và uy tín của các nhà trường. Trong 106 ngành đào tạo của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố được đánh giá và công nhận theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, có 84 ngành đạt chuẩn kiểm định quốc tế và 22 ngành được công nhận theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thành phố có 38 trường đại học, cao đẳng được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng của Bộ Giáo dục và Đào tạo và chuẩn đánh giá của các tổ chức quốc tế.
Kính thưa Đại hội,
Từ thực tế trên, thành phố đã đề xuất 02 nhóm giải pháp để đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế như sau:
Nhóm giải pháp thứ nhất: Xây dựng nguồn nhân lực trình độ quốc tế từ giáo dục phổ thông
Thành phố Hồ Chí Minh đã sớm đưa mục tiêu “hội nhập” vào các cấp học phổ thông. Các kĩ năng cần thiết đã được chú ý, giúp học sinh thành phố có hành trang vững chắc để hội nhập nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, tham gia thị trường lao động toàn cầu. Những chương trình, đề án đưa các chuẩn quốc tế về tiếng Anh, tin học, chương trình phổ thông vào nhà trường đã được xã hội, các bậc phụ huynh và học sinh quan tâm, tham gia tích cực. Nội dung giáo dục kỹ năng thực hành xã hội, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tự học,… cũng được đưa vào nhà trường ngày càng nhiều hơn.
Trong thời gian tới, giáo dục phổ thông sẽ tiếp tục phát triển theo hướng nâng cao trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết cho học sinh sẵn sàng thích ứng, gia nhập vào quá trình toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thành phố đã xây dựng Đề án “Giáo dục thông minh và học tập suốt đời giai đoạn 2020 - 2030”. Đây là tiền đề quan trọng để giáo dục thành phố tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả toàn diện công tác quản lí, hình thức tổ chức hoạt động dạy – học trong nhà trường, mà bước đầu là Mô hình thí điểm Trung tâm điều hành giáo dục thông minh và Mô hình trường học thông minh đang được gấp rút triển khai. Giáo dục thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện giáo dục STEM, STEAM trong nhà trường, tạo điều kiện để các em tham gia nghiên cứu khoa học; tiếp tục mở rộng thí điểm đưa nội dung trí tuệ nhân tạo đến với học sinh các trường phổ thông; đưa các tiện ích ứng dụng từ những thành quả của khoa học và công nghệ vào nhà trường; đẩy mạnh hoạt động dạy - học trực tuyến để hình thành kho tài nguyên học liệu số, xây dựng môi trường học tập trực tuyến, phục vụ việc tự học của học sinh, việc học tập suốt đời của người dân và xây dựng xã hội học tập thông minh…
Tất cả những giải pháp trên là nỗ lực cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết 29-NQ/TW và Kết luận số 51-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Qua đó, với sự chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi của Lãnh đạo thành phố, Ngành Giáo dục và Đào tạo đã đẩy mạnh các Chương trình, Đề án, Mô hình mang tính đột phá, thực sự là ngọn cờ đầu trong đổi mới, sáng tạo của giáo dục cả nước.
Nhóm giải pháp thứ hai: Triển khai Đề án “Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế giai đoạn 2020 - 2035 và Đại học chia sẻ”
Được Thường trực Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố quan tâm, chỉ đạo; tiếp nối thành công sau Hội thảo “Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ở Thành phố Hồ Chí Minh”; Sở Giáo dục và Đào tạo đã tích cực phối hợp với Hội đồng hiệu trưởng các trường đại học xây dựng Đề án Tổng thể “Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế (8 ngành) giai đoạn 2020 - 2035 và Đại học chia sẻ” cùng với 9 Đề án thành phần. Đề án được xây dựng công phu, có sự tham gia tâm huyết, trách nhiệm của các thầy, cô, các nhà khoa học đến từ những trường đại học hàng đầu của thành phố. Đề án xác định 10 tiêu chí để nhận diện nhân lực trình độ quốc tế, xây dựng 03 mục tiêu chung, 5 mục tiêu cụ thể và 9 giải pháp có tính toàn diện.
Với việc xác định những mục tiêu, nhiệm vụ hết sức cụ thể, có tính chiến lược, Đề án góp phần phát triển lực lượng lao động có chất lượng cao từ đó giúp tạo ra lợi thế cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế cho thành phố và cả nước trong quá trình hội nhập trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đó là cơ sở để các trường đại học được phân công xây dựng 9 Đề án thành phần nhằm đào tạo nhân lực có trình độ quốc tế của 08 ngành trọng điểm: (1) Công nghệ thông tin - truyền thông; (2) Cơ khí - tự động hóa; (3) Trí tuệ nhân tạo; (4) Quản trị doanh nghiệp; (5)Tài chính - ngân hàng; (6) Y tế; (7) Du lịch; (8) Quản lý đô thị và (9) Đề án Đại học chia sẻ.
Đề án cũng đề xuất 09 giải pháp cụ thể như sau:
Giải pháp (1) Thành lập Hội đồng Tư vấn giáo dục đào tạo nhân lực trình độ quốc tế. Hội đồng tập hợp các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu; có trách nhiệm tư vấn thành phố hoạch định chiến lược, đề ra những giải pháp cụ thể trong từng thời kỳ để đạt được mục tiêu đề ra.
Các giải pháp: (2) Hình thành hệ sinh thái nhân lực trình độ quốc tế của 08 ngành trọng điểm. (3) Đổi mới quản lý đào tạo, chương trình, phương pháp đào tạo; (4) Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng; (5) Đẩy mạnh quốc tế hóa giáo dục đào tạo; (6) Tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng, đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục đại học; là những giải pháp về chuyên môn cần thiết nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của các trường, hướng đến các chuẩn quốc tế.
Trong đó, những nhân lực trình độ quốc tế phải có môi trường để trao đổi thông tin, học tập lẫn nhau, không ngừng phát triển. Các trường phải mạnh dạn đổi mới trong công tác quản lý, về chương trình, phương pháp đào tạo; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học gắn với đời sống, hướng đến giải quyết những vấn đề phát sinh trong xã hội; mạnh dạn nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế, liên kết, hợp tác để đưa các chương trình đào tạo tiên tiến trên thế giới đến với sinh viên thành phố; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hướng đến các chuẩn kiểm định chất lượng đào tạo của quốc tế; từ đó nâng tầm vị thế của các ngành đào tạo, của các trường từng bước trở thành trung tâm giáo dục – đào tạo của khu vực.
Các giải pháp: (7) Xây dựng và triển khai hệ thống thu thập thông tin, phân tích và dự báo cung cầu nguồn nhân lực quốc tế; (8) Xây dựng cơ chế, chính sách tạo nguồn lực, động lực và môi trường cạnh tranh lành mạnh phát triển giáo dục đại học; là những giải pháp của các cơ quan quản lý nhằm hỗ trợ các trường trong việc đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế. Việc thu thập thông tin, phân tích dữ liệu và dự báo một cách khoa học, chính xác sẽ giúp các trường điều chỉnh trong chiến lược, chương trình đào tạo, gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực.
Giải pháp (9) Xây dựng học liệu mở, xây dựng cơ chế, chính sách hình thành mô hình đại học chia sẻ; là những bước đi ban đầu trong quá trình xây dựng Đại học chia sẻ tại thành phố. Khái niệm Đại học chia sẻ đã xuất hiện nhiều ở các nước có nền giáo dục tiên tiến, phát triển. Các chuyên gia, các nhà khoa học của các trường đại học tại thành phố đánh giá cao ý nghĩa và tác động của mô hình đại học chia sẻ nhưng để thực hiện ngay một cách rộng rãi sẽ gặp nhiều trở ngại. Vì vậy, Ban Biên soạn đã thống nhất giao Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng và triển khai thí điểm Mô hình đại học chia sẻ để làm cơ sở phát triển trong thời gian tới.
Kính thưa Đại hội,
Mỗi quốc gia muốn phát triển kinh tế - xã hội cần có các nguồn lực: tài nguyên thiên nhiên, vốn, khoa học công nghệ, con người; trong đó, nguồn lực con người là yếu tố quan trọng nhất. Khi chuyển sang nền kinh tế dựa trên tri thức là chủ yếu, cộng với xu hướng hội nhập và toàn cầu hóa quốc tế thì nguồn nhân lực trình độ cao có vai trò quyết định đến năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thành phố Hồ Chí Minh đang phát triển từng ngày, mạnh mẽ vươn ra khu vực và quốc tế. Vai trò của nguồn nhân lực chất lượng cao, có tính cạnh tranh và đáp ứng được yêu cầu theo chuẩn quốc tế là hết sức quan trọng; là nền tảng, bệ phóng cho sự phát triển toàn diện của Thành phố. Việc Thành phố sớm xác định và đặt ra những Đề án, Chương trình, mục tiêu, giải pháp vừa có tính chiến lược, vừa rất cụ thể cho công tác đào tạo nguồn nhân lực sẽ giúp Thành phố phát triển bền vững, mạnh mẽ trong tương lai.
Kính chúc quý vị đại biểu luôn mạnh khỏe, chúc Đại hội thành công tốt đẹp./.