Nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số
(Nguồn tin: Báo Sài Gòn Giải Phóng)
Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TPHCM đều khẳng định tầm quan trọng của nguồn nhân lực chất lượng cao. Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII đã thẳng thắn nhìn nhận, một trong những hạn chế, khuyết điểm của nhiệm kỳ qua là “Đổi mới giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ chưa thực sự trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội” và khẳng định một trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là phải “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”.
Một buổi học STEM tại Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Có thể nhận thấy, kỷ nguyên số hay cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã, đang và sẽ tiếp tục ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt của đời sống xã hội. Ngành giáo dục và đào tạo TPHCM đã nhận thức rõ vấn đề này và trong nhiệm kỳ vừa qua đã khẳng định, giáo dục phải tiên phong trong việc thực hiện chuyển đổi số và có nhiều giải pháp đưa công nghệ số vào nhà trường. Học sinh hôm nay, những công dân tương lai của đất nước phải biết cách vận dụng và có đầy đủ kỹ năng để thích ứng với những thay đổi của xã hội trong kỷ nguyên số. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, trong tương lai gần, khi các em bước chân vào xã hội, nhiều ngành nghề ngày hôm nay sẽ bị thay thế, biến đổi mạnh bởi công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT). Nếu các em không thích ứng được sẽ bị đào thải và chúng ta sẽ thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao để kiến thiết đất nước.
Trong quản lý nhà nước, ngành GD-ĐT thành phố kiên trì xây dựng kiến trúc tổng thể về CNTT-TT và trục liên thông dữ liệu. Trên cơ sở kiến trúc tổng thể về CNTT-TT, các phần mềm, tiện ích được điều chỉnh một cách đồng bộ, có tính tương thích cao, có khả năng kết nối, trao đổi thông tin. Đây là điều kiện quan trọng để các doanh nghiệp về CNTT-TT vào cuộc, cùng ngành GD-ĐT nghiên cứu, triển khai các ứng dụng một cách đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu quản lý của ngành. Trục liên thông dữ liệu đã xây dựng mã định danh của từng giáo viên, học sinh phổ thông, là nền tảng để các đơn vị kết nối thông tin, báo cáo trực tuyến, nhất là về số liệu. Qua đó, ngành GD-ĐT đã tham gia vào Hệ thống dữ liệu dùng chung của thành phố và trong 2 năm gần đây, đã có sự phát triển mạnh mẽ trong việc ứng dụng các phần mềm, tiện ích quản lý; điển hình là sự ra đời của mô hình thí điểm Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh.
Nhằm giáo dục kỹ năng cho học sinh thích ứng với kỷ nguyên số, nhà trường tổ chức các chuyên đề về văn hóa, cách ứng xử, sử dụng mạng xã hội thông qua lồng ghép trong các môn học, sinh hoạt ngoại khóa, tiết học ngoài nhà trường… Các trường học cũng ngày càng đưa nhiều hơn những tiện ích về CNTT-TT giúp học sinh học tập hiệu quả và phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Điển hình nhất là mô hình “Thư viện tiên tiến - hiện đại” và “Trường học an toàn - Trường học không tiền mặt”. Các mô hình này giúp học sinh tiếp cận kho tài nguyên số, các phần mềm thực tế ảo hỗ trợ học tập, môi trường học tập trên không gian mạng, tiện ích máy POSS, App điều hành, công nghệ thẻ chip giúp điểm danh tự động, mua hàng tự động, quản lý đi xe buýt và tăng cường kết nối giữa gia đình - nhà trường.
Đổi mới dạy - học đi cùng kiểm tra - đánh giá nhận được sự quan tâm lớn của xã hội và đã phát huy hiệu quả mạnh mẽ trong giai đoạn giãn cách xã hội do dịch Covid-19. Việc sử dụng các thiết bị thông minh tra cứu tài liệu phục vụ dạy - học trong nhà trường đã rất phổ biến; ngày càng nhiều trường tổ chức kiểm tra - đánh giá bằng hình thức trực tuyến. Ngành GD-ĐT thành phố đã tổ chức tập huấn cho thầy cô giáo các phần mềm, ứng dụng CNTT-TT để đổi mới dạy - học, kiểm tra - đánh giá trong suốt nhiều năm nên việc chuyển đổi sang hình thức trực tuyến trong giai đoạn giãn cách xã hội được thực hiện thuận lợi và hiệu quả. Đây là cơ sở quan trọng để ngành GD-ĐT thúc đẩy và xây dựng kho tài nguyên học liệu số ngay trong những năm đầu của nhiệm kỳ này; phục vụ việc dạy của thầy - học của trò - việc học tập suốt đời của người dân và xây dựng xã hội học tập thông minh.
Với Đề án “Giáo dục thông minh và học tập suốt đời giai đoạn 2020-2030”, ngành GD-ĐT TPHCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh và phát huy hơn nữa hiệu quả của các giải pháp đã triển khai trong nhiệm kỳ vừa qua. Sở GD-ĐT đã cụ thể hóa bằng Đề án “Xây dựng Trung tâm điều hành giáo dục thông minh” và Đề án “Mô hình trường học thông minh” đã được UBND TPHCM thông qua chủ trương đầu tư trong Đề án chung “Đô thị thông minh”. Sở cũng đang trình Thường trực UBND TPHCM Đề án “Nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng ứng dụng tin học cho học sinh phổ thông TPHCM theo định hướng chuẩn quốc tế giai đoạn 2020-2030”. Việc thực hiện các đề án này sẽ là những bước đi rất cụ thể để triển khai nhiệm vụ bồi dưỡng, hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố trong kỷ nguyên số.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM, đã nhấn mạnh về 4 sứ mệnh của ngành GD-ĐT: Học để làm người công dân tốt, có đầy đủ kỹ năng thích ứng với đô thị thông minh và quá trình hội nhập quốc tế; Học để làm con hiếu thảo, có trách nhiệm, xây dựng gia đình hạnh phúc; Học để có nghề nghiệp hiệu quả, nuôi mình và gia đình; Học để đóng góp cho thành phố và đất nước. |
TS LÊ HỒNG SƠN
Thành ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM