Trường THPT Thạnh Lộc

Thông tin - Tin tức

Đáp án môn Văn khối 10

Đáp án môn Văn khối 10

Administrator
Học kỳ I năm học 2013 - 2014

ĐÁP ÁN ĐỀ  KIỂM TRA HỌC KÌ I- NĂM HỌC 2013- 2014

MÔN: NGỮ VĂN- KHỐI 10. THỜI GIAN: 90 PHÚT

I.  Lí thuyết: (2 điểm)

Câu 1: (1 điểm)

- Phạm Ngũ Lão (1255- 1320), người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào(nay là huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên), là con rể của Trần Hưng Đạo, được giữ đội quân hữu vệ.

- Ông có nhiều công lớn trong cuộc kháng chiến chống Mông-Nguyên, làm đến chức Điện súy, được phong tước quan nội hầu.

- Là võ tướng nhưng ông thích đọc sách, ngâm thơ và từng được ca ngợi là người văn võ toàn tài. Lúc ông qua đời, vua Trần Minh Tông ra lệnh nghỉ chầu năm ngày để tỏ lòng tưởng nhớ.

- Tác phẩm của ông hiện còn hai bài thơ là “Tỏ lòng” và “Viếng Thượng tướng quốc công Hưng Đạo Đại Vương”.

# Mỗi ý 0,25 điểm.

     

Câu 2: (1 điểm)

- Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt là phong cách mang những dấu hiệu đặc trưng của ngôn ngữ dùng trong giao tiếp sinh hoạt hàng ngày.

- Đặc trưng cơ bản của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt là: tính cụ thể, tính cảm xúc, tính cá thể.

# Mỗi ý 0.5 điểm

Tùy sai sót của học sinh mà giáo viên trừ điểm.

 

II. Nghị luận xã hội: (3 điểm)

Đề: Trong giao tiếp ở trường phổ thông,  nhiều học sinh vẫn còn  thói quen nói tục, chửi thề.

Vậy, em có ý kiến như thế nào về hiện tượng trên.

      HS biết cách làm bài nghị luận xã hội với đầy đủ bố cục 3 phần: mở bài, thân bài, kết bài.

-          Nêu và kết được vấn đề cần bàn:  Nói tục, chửi thề của học sinh trong nhà trường là một hiện tượng xấu, không có văn hóa.  (0,25 điểm)

-          Giải thích vấn đề: Nói tục, chửi thề là dùng những ngôn từ thô tục, những tiếng đệm không cần thiết ở đầu câu nói của học sinh (0,25 điểm)

-          Phân tích  vấn đề:

+ Nguyên nhân: (0,5 điểm)

  •  Do học sinh chịu ảnh hưởng từ môi trường gia đình. Ngay từ nhỏ đã nghe người lớn trong nhà nói những từ ngữ thô tục, chửi thề khi bực dọc.
  • Do học sinh thiếu ý thức giữ gìn ngôn phong trong sáng, giao du với nhiều bạn xấu, lâu ngày bị ảnh hưởng.

     + Tác hại của nói tục chửi thề: (0,5 điểm)

·         Đánh mất vẻ đẹp văn hóa của bản thân, bị mọi người đánh giá là người kém văn hóa, thậm chí còn bị xem là thành phần lưu manh, mất dạy, thô lỗ...

·         Lời nói tục, tiếng chửi thề có thể dẫn đến đôi bên hiểu lầm rồi xung đột, ẩu đả nhau.

+ Giải pháp khắc phục: (0,5 điểm)

·   Bản thân học sinh cần nâng cao nhận thức về ngôn phong văn hóa trong giao tiếp với thầy cô, bạn bè.

·   Gia đình cần tạo môi trường tốt, có văn hóa để không ảnh hưởng tới trẻ.

·   Nhà trường cần có biện pháp để giáo dục, răn đe học sinh hay nói tục, chửi thề.

-          Luận: (0,5điểm)

+ Nói tục, chửi thề là một thói quen xấu, tạo ấn tượng không tốt đối với người xung quanh, làm mất đi vẻ đẹp của văn hóa giao tiếp.

+ Biểu dương những người biết  ăn nói có văn hóa, từ tốn, lịch sự .

+ Phê phán những học sinh còn thói quen nói tục, chửi thề.

-          Liên hệ: (0,5điểm)

+ Học sinh cần biết học hỏi cách ăn nói văn minh, lịch sự để giao tiếp đạt hiệu quả cao. Hãy nhớ lời người xưa đã dạy:

"Chim khôn hót tiếng rảnh rang, Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe."

+ Nhắc nhở những bạn  bè trong lớp khắc phục hiện tượng nói tục, chửi thề, để lớp học có môi trường văn hóa, thân thiện.

# Giám khảo tùy cách diễn đạt của học sinh mà tính điểm, tối đa là 3 điểm. Nếu không đủ bố cục 3 phần: tính 0,5 điểm.

III. Làm văn(5 điểm)

            Phân tích bài thơ “Cảnh ngày hè” của Nguyễn Trãi.

- HS biết cách làm một bài văn nghị luận văn học với bố cục 3 phần.

- HS biết cách phân tích một bài thơ trữ tình .

- Nội dung : cần làm rõ các nội dung:

+ Bức tranh thiên nhiên và bức tranh cuộc sống ngày hè => làm nổi bật tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống của tác giả.

+ Thấy được tấm lòng ưu ái với dân với nước của tác giả.

- Nghệ thuật: thể thơ thất ngôn sáng tạo những câu lục ngôn; nhiều động từ mạnh diễn tả sức sống đang căng đầy; cảm nhận tinh tế bằng nhiều giác quan….

- Cách tính điểm:

+ HS diễn đạt tốt, có đầy đủ ý, không mắc nhiều lỗi : 4- 5 điểm

+ Nêu được khá đầy đủ ý, nhưng còn sai sót nhiều về kĩ năng diễn đạt: 2,5- 3,5 điểm

+ HS không nắm được nội dung tác phẩm, viết sơ sài, không đủ ý, sai nhiều lỗi diễn đạt: 1- 2 điểm.

+ Viết một đoạn hoặc  viết lan man 0,5 điểm.

+ Để giấy trắng: 0 điểm.